Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có những câu nói thông dụng, quen thuộc với hầu hết những người sử dụng ngôn ngữ đó, được dùng thường xuyên trong giao tiếp hằng ngày và nhiều khi trở thành câu cửa miệng, như người Việt mình có Ăn cơm chưa?, Có gì đâu hay Biết ngay mà. Tiếng Anh có những câu không còn lạ gì với chúng ta như How are you? (Cậu khỏe không?) Don't worry (Đừng lo), Take care (Bảo trọng). Trong tập này, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số câu nói thông dụng trong tiếng Anh tương tự như vậy.
Mình sẽ chia sẻ thêm trong các tập khác, còn trong tập này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 5 câu nói rất ngắn, rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng nắm được cách dùng. Lưu ý, đây là những câu thường dùng trong các tình huống thoải mái, không cần nghiêm trang, trịnh trọng (informal, casual).
Nghe podcast tập này tại đây hoặc nghe trên Apple podcast, hay Spotify.
no biggie và no big deal
chuyện nhỏ; chuyện vặt; không phải việc quan trọng; không phải vấn đề lớn hay nghiêm trọng.
biggie /ˈbɪɡi/ (n) chính là xuất phát từ big /bɪɡ/ (to, lớn hay quan trọng) thêm đuôi -ie
biggie: một việc hay một người quan trọng
no biggie có nghĩa là không phải việc quan trọng, không phải việc gì ghê gớm, to tát, hoặc không phải là một vấn đề lớn hay nghiêm trọng. Như người Việt mình hay nói: chuyện nhỏ hay chuyện vặt (ý mà).
Ví dụ khác, một bài viết trên CNBC về một loạt những từ liên quan đến đồ ăn mà người Mỹ thường phát âm sai. Bài viết có câu mào đầu về việc họ có thể phát âm dễ dàng phần lớn các từ như sau.
Most of us have no problem pronouncing the vast majority of foods: Turkey, mashed potatoes, pumpkin pie. No biggie.
Hầu hết chúng ta không gặp vấn đề gì khi phát âm đại đa số đồ ăn: Gà tây, khoai tây nghiền, bánh bí ngô. Chuyện nhỏ.
no big deal có nghĩa tương tự no biggie.
Ví dụ:
- Sorry I'm late.
Xin lỗi, mình đến muộn.
- No big deal. We have plenty of time.
Chuyện nhỏ. Chúng ta còn khối thời gian.
Ngoài no biggie, hay no big deal, chúng ta cũng có thể dùng not a big deal, hoặc câu đầy đủ chủ vị là it's no big deal, it's not a big deal hay it's no biggie, it's not a biggie đều có nghĩa tương tự.
Ví dụ:
I hope you can be there but it's not a big deal if you can't.
Mình hy vọng cậu có thể có mặt ở đó nhưng nếu cậu không tới được thì cũng không sao.
Hoặc thay vì it, có thể dùng that, đều chỉ một việc được đề cập tới hay được ngụ ý. Ví dụ, That's not a big deal - Đó chẳng phải việc gì to tát. Nhưng nhìn chung, no biggie hay no big deal ngắn gọn, đơn giản, thoải mái hơn. Tùy ngữ cảnh và văn phong chúng ta có thể chọn cách nói phù hợp.
(I'm) on it
(Tôi) đang làm rồi; đang xử lý, lo liệu rồi; (tôi) làm ngay đây
it là việc đang được nói tới hoặc được ngụ ý.
I'm on it hay đôi khi, có thể nói ngắn gọn, thoải mái hơn là on it, được dùng với ý là việc cần làm đang được xử lý rồi: Tôi đang làm rồi; tôi đang xử lý rồi. Hoặc tùy tình huống cụ thể, có thể hiểu là sẽ xử lý, bắt tay vào làm ngay lập tức, thường là ở thời điểm nói: Tôi làm ngay đây.
Ví dụ:
- We have to get this done today.
Chúng ta phải làm xong việc này hôm nay.
- No worries, I'm on it.
Đừng lo, tôi đang xử lý rồi.
Ví dụ khác:
- Can you check if my appointment with them is confirmed?
Cậu (có thể) kiểm tra xem cuộc hẹn của mình với họ đã xác nhận hay chưa (được không)?
- On it
Làm liền đây/Làm ngay và luôn đây.
fair enough
có lý; hợp lý (thể hiện sự đồng tình)
đã hiểu; được rồi (ghi nhận rằng đã hiểu ý, lý lẽ hoặc việc làm của một người)
Chúng ta cũng có thể dùng câu đầy đủ, it's fair enough, hay that's fair enough
fair /fɛː/: hợp lý, có thể chấp nhận được.
fair enough (1) có thể dùng để thể hiện sự đồng tình, rằng bạn thấy một điều là hợp tình, hợp lý, hoặc có thể chấp nhận được, theo cách nói của người Việt mình là có lý, hợp lý. Ngoài ra, (2) bạn cũng có thể dùng fair enough để ghi nhận rằng bạn đã hiểu ý mà một người vừa nói hoặc hiểu được lý lẽ, việc làm của họ.
Lưu ý, fair enough cũng có thể được dùng trong trường hợp có thể bạn không hoàn toàn bị thuyết phục bởi một lý lẽ hay một việc nào đó, nhưng bạn ghi nhận là việc đó cũng có lý.
Ví dụ:
- He's good but we need someone more experienced.
Cậu ấy được đấy nhưng chúng ta cần người nhiều kinh nghiệm hơn.
- Fair enough.
Có lý.
Ví dụ khác, trích một đoạn thoại trong cuốn tiểu thuyết mình mới đọc gần đây, cuốn Sleep (thuộc thể loại Mystery Thriller) của tác giả Cally Taylor.
- I’m not leaving her here on her own. She’s fourteen.
Em không bỏ con bé lại đây một mình đâu. Nó mới 14 (tuổi).
- Fair enough.
Được rồi.
Ví dụ khác, trích trong một tiểu thuyết khác, cuốn The one của tác giả John Marrs:
- He’s quite shy. I’ll introduce him when I think he’s ready.
Anh ấy khá rụt rè. Chị sẽ giới thiệu anh ấy khi nào chị thấy anh ấy sẵn sàng.
- OK, fair enough.
OK, đã hiểu.
try me
cứ thử xem nào (xem tôi sẽ nói hay làm gì)
try me ở đây không có nghĩa 'thử tôi đi' như các bạn thường thấy trên các mẫu thử sản phẩm, như trên son, phấn, nước hoa.
Trong giao tiếp, trò chuyện hằng ngày, câu try me thường có hai hàm ý bao gồm cả hàm ý tiêu cực, tùy vào tình huống, bởi vậy chúng ta nên lưu ý giọng điệu.
Thứ nhất, try me được dùng với ý là cho tôi cơ hội (give me a chance), thường dùng trong trường hợp khi một người tỏ ra ngần ngại không biết phản ứng hay hành động của bạn trước một việc sẽ như thế nào. Bạn có thể nói try me để khuyến khích họ cho bạn cơ hội được biết một điều hay làm một việc mà họ đang e dè không muốn bạn biết hay không muốn bạn làm. Try me - Cứ thử nói xem, cứ thử làm xem, biết đâu câu trả lời của tôi hoặc phản ứng, hành động của tôi sẽ không như bạn dự đoán hay hình dung.
Ví dụ:
- No, I'm not telling you. You'll laugh at me and think I'm stupid.
Không, mình không nói cho cậu đâu. Cậu sẽ cười (mình) và cho là mình ngu ngốc.
- Try me.
Cứ thử (nói) xem nào.
Thêm ví dụ nữa, trích một đoạn thoại cũng trong cuốn Sleep của Cally Taylor.
- Just tell me what’s going on.
Cứ nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra xem nào.
- You won’t believe me.
Anh sẽ không tin tôi đâu.
- Try me.
Cứ thử nói xem.
Thứ hai, chúng ta có thể nói try me mang tính thách thức, thách đố: cứ thử mà xem (xem tôi có làm việc đó không, hoặc xem tôi sẽ làm gì).
Ví dụ:
Try me. I'm stronger than you think.
Cứ thử (mà) xem. Tôi mạnh mẽ hơn anh tưởng.
no offence (hoặc no offense)
không có ý động chạm, công kích, xúc phạm hay làm phật lòng
offence /əˈfɛns/ /ˈɒfɛns/: có nhiều nghĩa, nhưng ở đây offence được hiểu là sự phật lòng, khó chịu hay nặng nề hơn cảm giác bị xúc phạm do cảm thấy bị công kích hay không được tôn trọng.
no offence có nghĩa là không có ý làm phật lòng hay công kích, đả kích gì cả . Khi điều mà bạn vừa nói hay sắp nói có thể hơi thô lỗ hoặc động chạm tới một người, bạn có thể nói kèm theo câu no offence để nói rõ rằng bạn không hề có ý công kích, xúc phạm hay động chạm gì tới họ.
Ví dụ:
No offence, but I don't think it's a good idea.
Không có ý động chạm (gì) đến cậu, nhưng mình không cho đó là ý hay.
Nếu ai đó nói với bạn no offence, bạn có thể trả lời trực tiếp bằng cách nói: none taken, với ý là tôi không thấy khó chịu hay phật lòng gì cả. none taken - không sao, không hề gì. Nhưng lưu ý, câu none taken là không thực sự cần thiết, có thể nói hoặc không cũng được.
Ví dụ:
- I don't think it's a good idea. No offence.
Mình không nghĩ đó là ý hay. (Mình) không có ý động chạm/đả kích gì cả.
- None taken.
Không sao/Không hề gì.
Thêm ví dụ nữa, trích từ một tiểu thuyết khác, The guest list của tác giả Lucy Foley, có một câu thoại nói với một người là con trai của Hiệu trưởng một trường học, có ý chê bai trường đó:
I definitely wouldn’t send my own kids there - no offence to your dad.
Mình chắc chắn sẽ không cho con (của chính mình) theo học ở đó - (mình) không có ý xúc phạm bố cậu (gì) đâu.
Nghe podcast tập này tại đây hoặc nghe trên Apple podcast, hay Spotify.
I want to make friend with you. How can i do?
Love your voice so much!