Trong tập này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số câu nói tiếng Anh thông dụng có chứa từ what được dùng trong giao tiếp hằng ngày.
Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.
Từ what /wɒt/ khi đứng riêng lẻ, nghĩa cơ bản là gì, cái gì, việc gì, v.v. và chắc chắn là chúng ta nghe, thấy cũng như dùng từ này rất nhiều, có thể là trong các câu hỏi, chẳng hạn như What's your name? (Tên bạn là gì?), hay trong câu cảm thán: What a pity! (Thật đáng tiếc!).
Tiếp tục chuỗi chủ đề những câu nói thông dụng trong giao tiếp hằng ngày, với những câu nói tự nhiên, những câu cửa miệng mà người bản xứ dùng thường xuyên, trong tập này, mình sẽ chia sẻ về 5 câu với từ what.
What?
Gì? Cái gì? Gì thế? v.v.
Câu này tuy hết sức đơn giản nhưng được dùng rất thường xuyên và trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.
Về cơ bản, chỉ nói độc một từ what nghe khá cụt lủn, nên chúng ta thường dùng khi nói chuyện với người chúng ta thấy không cần câu nệ về câu chữ, hay người mà chúng ta có thể nói chuyện thoải mái, thân mật.
Thứ nhất, chúng ta có thể nói câu What? với ý là tôi nghe thấy rồi, tôi đang nghe đây, cứ nói đi.
Ví dụ, một mẩu thoại giữa hai bố con. Bố đang ở trong phòng làm việc, con gõ cửa và nói:
- Dad!
Bố!
- What?
Sao con?
- Someone is here to see you.
Có người tìm gặp bố.
Thứ hai, chúng ta cũng có thể nói What? khi không nghe rõ hoặc không hiểu rõ ý mà một người vừa nói và muốn họ nhắc lại. Hỏi What? trong trường hợp này rất thông dụng, nhưng một số người vẫn cho là không lịch sự nên bạn hãy để ý khi nào, với ai thì nói được thoải mái, với ai thì có lẽ bạn nên tránh nói.
Tiếp ví dụ trên:
- Dad, someone is here to see you.
Bố, có người tới tìm gặp bố.
- What?
Gì cơ?
- Your friend is here. He's waiting downstairs.
Bạn bố tới gặp. Chú ấy đang chờ dưới nhà.
Ngoài ra, what còn được dùng thường xuyên như câu cảm thán để thể hiện các cảm xúc khác nhau, như ngạc nhiên, thích thú hay không tin vào điều mình vừa nghe, hoặc cũng có thể là thể hiện sự cáu giận, hay bối rối v.v.
Ví dụ, khi what thể hiện sự ngỡ ngàng, không thể tin vào điều mình vừa nghe. Trích một đoạn thoại từ tiểu thuyết The secrets she keeps của tác giả người Úc - Michael Robotham (giữa hai nhân vật Meghan và Lisa-Jayne).
- ...he’s trying to blackmail me.
Anh ta đang cố mang bí mật của mình ra uy hiếp.
- What? How?
Cái gì? Như thế nào?
- It doesn’t matter.
Việc đó không quan trọng.
blackmail /ˈblakmeɪl/ (v): đe doạ sẽ tiết lộ thông tin nhạy cảm hoặc thông tin có thể gây tổn hại tới một người để đòi tiền hoặc đạt được lợi ích khác (không chỉ là tống tiền)
Ví dụ khác, khi what biểu thị sự ngạc nhiên và không hiểu rõ ý người nói, cũng trong tiểu thuyết The secrets she keeps, (giữa hai nhân vật Agatha và Hayden, khi thấy người quen xuất hiện trên tin tức):
- I know her,
Em biết cô ấy.
- What?
Sao cơ?
- The mother—she goes to my yoga class. I went to her house a few weeks ago. She gave me some spare baby clothes.
Người mẹ ấy mà - cô ấy học cùng lớp yoga với em. Vài tuần trước em tới nhà cô ấy. Cô ấy đưa cho em ít quần áo trẻ em không dùng tới.
spare /spɛː/ (adj): dự phòng; không dùng tới; dư ra
What was that?
Cái gì vậy? Chuyện gì vậy? v.v.
What was that? cũng là một câu hết sức tự nhiên, được dùng thường xuyên trong giao tiếp hằng ngày, và có thể mang các hàm ý khác nhau.
Chúng ta có thể nói What was that? khi muốn hỏi về một chuyện đã xảy ra. Chẳng hạn bạn đang nói chuyện, chợt nghe thấy tiếng động, bạn có thể nói: What was that? Did you hear that? (Gì vậy nhỉ? Cậu có nghe thấy không?)
Không chỉ vậy, What was that? còn dùng trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, khi chúng ta không nghe rõ hoặc không hiểu rõ ý một người vừa nói và muốn họ nhắc lại, thực chất chính là hỏi ‘What did you say?’ - Bạn nói gì cơ? nhưng What was that? không hỏi thẳng mà tế nhị hơn, và cũng lịch sự, lại rõ ràng hơn câu ‘What?’.
Ví dụ:
What was that? Speak louder. I can't hear you.
(Cậu nói) gì cơ? Nói to lên. Mình không nghe được.
What was that? Sorry, I was reading an email.
Cậu nói gì thế? Xin lỗi, nãy mình mải đọc email. (ý là mình đã không chú ý nghe cậu nói)
Thứ hai, What was that? cũng được dùng để biểu thị cảm xúc như ngạc nhiên, hay thấy khó hiểu về một điều mà chúng ta vừa nghe hoặc vừa chứng kiến, chẳng hạn What was that?! So weird. - Cái gì vậy? Kỳ quặc ghê. Hoặc để tỏ vẻ bực bội, không hài lòng (mang tính chất vấn): What was that? - Vừa rồi là sao? / Chuyện vừa nãy là thế nào?
Ví dụ, khi What was that? thể hiện vẻ bực bội cũng như thấy khó hiểu về một việc.
- What was that?
Vừa nãy là sao?
- What?
Gì cơ?
- Earlier at the cafe.
Khi nãy ở quán cà phê ấy.
- What do you mean?
Ý cậu là sao?
- Well, they were making fun of me and you didn't say anything. You didn't care at all, did you?
Thì họ mang mình ra giễu cợt mà cậu chẳng nói năng gì (ấy). Cậu chẳng hề quan tâm, phải vậy không?
# 3
What's the point?
Để làm gì chứ? Làm vậy có ích gì?
the point: lý do, nguyên nhân, mục đích của một việc.
Câu What's the point? thường không dùng như câu hỏi thực sự mà dùng với ý bác bỏ, thể hiện sự không đồng tình, rằng chúng ta thấy một việc là không nên hay không cần thiết vì nó vô ích hay vô nghĩa.
Ví dụ, hai người nói với nhau:
- Let me talk to her.
Để mình nói chuyện với cô ấy.
- What's the point? She won't listen anyway.
Làm vậy liệu có ích gì? Dù gì cô ấy cũng đâu có nghe.
Ví dụ khác, trích trong cuốn tiểu thuyết trinh thám Fair Warning của tác giả người Mỹ - Michael Connelly.
“...What's the point? I don’t get why we’re looking for this guy.”
Để làm gì chứ? Tôi không hiểu sao chúng ta lại kiếm gã này.
get (v): trong trường hợp này có nghĩa là ‘hiểu' (đồng nghĩa với understand)
Ví dụ khác:
They're already closed. Why are we wasting our time here? What's the point?
Họ đóng cửa rồi còn gì. Sao chúng ta lại lãng phí thời gian ở đây? Để làm gì cơ chứ?
What do I know?
Tôi thì biết gì nào? Tôi thì biết gì cơ chứ.
Khi bạn đưa ra một nhận định, quan điểm nào đó, và bạn nói thêm What do I know?, thì ý là những gì tôi nói chỉ là suy nghĩ, giả định của tôi chứ tôi đâu biết gì nhiều. Câu này có thể nói với ý khiêm nhường nhưng cũng có thể là nói vui, hoặc với ý mỉa mai, châm biếm. Nhìn chung, lại tuỳ vào tình huống.
Ví dụ:
I think skipping breakfast is bad for your health. But I'm not a doctor, so what do I know?
Mình nghĩ bỏ bữa sáng có hại cho sức khỏe. Nhưng mình đâu phải là bác sĩ, nên mình thì biết gì chứ nhỉ?
skip /skɪp/ (v): bỏ, bỏ qua
Ví dụ khác, trong cuốn tiểu thuyết The guest list của tác giả người Anh - Lucy Foley, có mẩu hội thoại ngắn (giữa hai nhân vật Olivia, 19 tuổi và Hannah, độ tuổi 30) như sau:
- ...no one really uses Tinder anymore.
Không ai thực sự còn dùng Tinder nữa đâu.
- Sorry, I’m ancient, remember? What do I know?
Xin lỗi, tôi cổ lỗ sĩ mà, nhớ chứ? Tôi thì biết gì nào?
Cho những bạn chưa biết, Tinder là một ứng dụng hẹn hò của Mỹ được dùng rộng rãi ở nhiều nước.
ancient /ˈeɪnʃ(ə)nt/ (adj): cổ lỗ, già cỗi
Ví dụ khác, một bài viết trên BBC hồi cuối năm 2018 trích một số chia sẻ của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama với học sinh của một trường nữ sinh ở Anh trong buổi giới thiệu cuốn hồi ký Becoming. Bà chia sẻ rằng bà vẫn có impostor syndrome (tiếng Việt gọi là hội chứng ‘kẻ mạo danh' - là thuật ngữ mô tả những cảm giác bất an, nghi ngờ khả năng, năng lực của bản thân). Bà nói:
"It doesn't go away, that feeling that you shouldn't take me that seriously. What do I know? I share that with you because we all have doubts in our abilities, about our power and what that power is…”
“Nó không biến mất, cảm giác rằng các em* không nên coi trọng tôi tới vậy. Tôi thì biết gì nào? Tôi chia sẻ điều này với các em* bởi chúng ta đều có những hoài nghi về khả năng của mình, về sức mạnh của chúng ta và sức mạnh đó là gì…”.
*khi nói chung, với đối tượng rộng hơn: các bạn
take someone seriously: coi trọng, đề cao một người
từ that khi đứng trước tính từ hay trạng từ, như trong câu này: that seriously, thì that dùng để nhấn mạnh, có thể hiểu là: tới vậy, đến thế
What do you care?
Bạn quan tâm/để tâm/bận tâm làm gì?
Động từ care có nghĩa là quan tâm. Nhưng không giống như câu What do you care about? là câu hỏi thực sự, hỏi xem bạn quan tâm điều gì, khi chúng ta nói What do you care?:
Thứ nhất, thường với hàm ý mỉa mai, đôi khi trách móc. Anh, chị, bạn v.v. quan tâm làm gì? Bạn quan tâm cái gì chứ? Với ý là bạn đừng tỏ vẻ quan tâm nữa, việc này chẳng liên quan, chẳng phiền gì đến bạn.
Ví dụ, đầu tháng 3, BBC có bài viết về việc ca sĩ Taylor Swift lên tiếng chỉ trích series "Ginny and Georgia" của Mỹ trên Netflix, bởi trong một đoạn thoại, khi được mẹ hỏi có phải đã chia tay với bạn trai không, nhân vật Ginny đã nói câu sau:
"What do you care? You go through men faster than Taylor Swift."
Tạm dịch: “Mẹ quan tâm làm gì? Mẹ thay đàn ông còn nhanh hơn cả Taylor Swift.”
(Hay tế nhị hơn: Mẹ yêu nhiều người còn hơn cả Taylor Swift.)
Cụm động từ go through có nhiều nghĩa, khi đi với danh từ men (đàn ông) - go through men có thể hiểu nôm na là thay đàn ông, hay thay người yêu.
Thứ hai, What do you care? có thể được nói như lời nhận định hay nhắc nhở, khuyên nhủ, rằng đây không phải là việc của bạn nên bạn không cần bận tâm, để tâm làm gì. Trường hợp này cũng có thể mang hàm ý chỉ trích, tuỳ vào tình huống và người nói.
Ví dụ cùng chủ đề tình cảm và chia tay như ở trên, một người thấy bạn mình có vẻ còn lưu luyến và thường hỏi thăm tình hình của người yêu cũ, bèn nói:
She already has a new boyfriend. So what do you care?
Cô ấy đã có bạn trai mới rồi. Vậy cậu để tâm làm gì?
Ví dụ khác, trích từ một bài trên New York Times hồi đầu năm, bố của một cầu thủ khúc côn cầu tuổi ‘teen' bày tỏ những quan ngại ban đầu khi cầu thủ này bị chuyển vị trí trong đội hình, nhưng người huấn luyện viên khiến ông hiểu ra rằng điều quan trọng là cầu thủ có vui vẻ hay không. Khi người bố nói là con ông vẫn vui, vị huấn luyện viên đã nói:
“So what do you care? Try to remember what this is about — them, not us.”
Vậy anh để tâm làm gì? Hãy cố nhớ điều quan trọng ở đây là gì - là chúng, không phải chúng ta.
(Hay casual - thoải mái hơn: Hãy cố nhớ cái chính ở đây là gì - là chúng, chứ không phải chúng ta).
Trong câu này:
what this is about - them, not us: muốn nhấn mạnh rằng mục đích, điểm mấu chốt, điều quan trọng thực sự của việc chơi khúc côn cầu (this) là gì, chính là vì các cầu thủ (them), để họ được chơi, và có được niềm vui khi chơi.
Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.
Comments