top of page
Writer's picturev for vien

Học sai ngành, làm trái nghề, tôi 'thu thập' được gì?

Bạn chọn 'sai' ngành học, và không tìm được việc như ý vì trăm ngàn lý do — ngành đó không 'hot', bạn không thích, không hợp hoặc không có khả năng. Cảm giác chán nản, bế tắc, rối bời là khó tránh khỏi. Đừng vội nản lòng, học 'sai' ngành, làm 'trái' nghề không khiến bạn trở thành người vô ích hay yếu thế. Bạn có nhiều lựa chọn hơn bạn tưởng.




(Bài gốc do V viết đăng trên Vietcetera. Đây là bài post lại.)


Khi thấy tôi làm biên tập viên truyền hình, một số người lập tức cho rằng trước đây tôi học ngành truyền thông, báo chí. Thực chất, tôi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Sau nhiều năm ra trường, tôi chưa làm gì trực tiếp về ngành này. Tôi cũng không có 'máu' kinh doanh trong người. Nghĩa là tôi đã học 'sai' ngành và đang làm 'trái' nghề. Tôi từng trách cứ bố mẹ hay bản thân chưa? Đã từng. Có bao giờ tôi thấy mất phương hướng không? Có chứ. Tôi đã có lúc thất vọng về chính mình? Chắc chắn rồi. Nhưng tôi có hoàn toàn mất niềm tin? Không hề. Tôi nghiệm ra một số điều mà nếu không vì những lần loay hoay xác định hướng đi của mình, chưa chắc tôi hiểu được. Dưới đây chỉ là một vài trong số những điều mà việc học 'sai' ngành, làm 'trái' nghề đã dạy tôi.

Tôi từng trách cứ bố mẹ hay bản thân chưa? Đã từng. Có bao giờ tôi thấy mất phương hướng không? Có chứ. Tôi đã có lúc thất vọng về chính mình? Chắc chắn rồi. Nhưng tôi có hoàn toàn mất niềm tin? Không hề. Tôi nghiệm ra một số điều mà nếu không vì những lần loay hoay xác định hướng đi của mình, chưa chắc tôi hiểu được.

Những gì bạn học không bao giờ hoàn toàn uổng phí


Bạn chọn 'sai' ngành học, và không tìm được việc như ý vì trăm ngàn lý do — ngành đó không “hot”, bạn không thích, không hợp hoặc không có khả năng. Cảm giác chán nản, bế tắc, rối bời là khó tránh khỏi. Nhưng hãy nghĩ xem, trong số những gì bạn được dạy và trải nghiệm, từ kiến thức chuyên môn đến những kỹ năng như nói trước đám đông, tổ chức hoạt động, kể cả đàn hát, vẽ vời v.v., việc gì bạn làm tốt, việc gì có giá trị cho công việc bạn đang hướng tới, thậm chí kiến thức, kỹ năng nào có giá trị trọn đời. Nhưng đừng làm điều đó mang tính đối phó, chỉ để giải thích với nhà tuyển dụng rằng bạn học X mà nộp hồ sơ làm Y vì bạn tích lũy được Z, cho nên bạn phù hợp. Hãy làm điều đó cho chính bạn.

Bạn không dùng những kiến thức, kỹ năng bạn có bây giờ không có nghĩa tương lai bạn sẽ không dùng tới. Bằng Tâm lý học tại Đại học Harvard không phải là tiền đề đưa Natalie Portman đến với nghề diễn, nhưng chắc hẳn đã góp phần giúp cô nhập vai xuất sắc trong bộ phim tâm lý kinh dị nổi tiếng Black swan. Cá nhân tôi, nhờ học quản trị kinh doanh, có thể viết tin bài hay thực hiện phỏng vấn chuyên sâu liên quan đến kinh doanh, kinh tế. Nếu không làm trái nghề, tôi cũng không có “nguyên liệu" để viết những dòng này.

Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa đam mê và bức tranh lý tưởng về đam mê. Và chúng ta không nhận ra năng lực thực sự của mình.

Không nhất thiết phải chọn việc theo đam mê


Bạn đang làm công việc đúng với đam mê. Quá tuyệt. Nếu không, cũng chẳng sao. Nếu như ai cũng làm việc mà mình đam mê, nếu ai cũng chọn việc mà mình yêu thích, ai sẽ làm những việc mà không ai muốn? Bởi vậy mà có phân công lao động xã hội. Đó là cách mà xã hội vận hành. Chính vì vậy, mọi nghề nghiệp đều đáng trân trọng.


Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa đam mê và bức tranh lý tưởng về đam mê. Và chúng ta không nhận ra năng lực thực sự của mình. Sở thích viết lách không biến bạn thành nhà văn. Đam mê tiếng Anh không đủ để bạn trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi. Chỉ khi bắt tay vào làm, bạn mới biết liệu có phải bạn đã tô vẽ nên một bức tranh không thực tế, mới thấy được khả năng của mình nằm ở đâu. Bạn không viết nổi tiểu thuyết, nhưng hoá ra lại vô cùng xuất sắc trong vai trò biên tập viên thời sự. Bạn lúng túng khi giải thích một cấu trúc tiếng Anh, nhưng lại thực sự tỏa sáng với nghề phiên dịch. Hãy hành động, và bạn sẽ tìm ra câu trả lời.


Ngay cả khi bạn kiên trì theo đuổi đam mê, sẽ có lúc cuộc sống đưa bạn đến những ngã rẽ không ngờ tới. Vera Wang từng là vận động viên trượt băng nghệ thuật, sau đó là biên tập viên tại Vogue trước khi trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới. Trước đây, bà không lọt vào đội tuyển trượt băng Olympics của Mỹ như mơ ước, nhưng sau này, bên cạnh những thiết kế váy cưới đỉnh cao, bà được tin cậy khi thiết kế trang phục cho các vận động viên trượt băng Olympics.


Xác định điều bạn không bao giờ thỏa hiệp


Trong tiếng Anh có từ dealbreaker, là điều quan trọng tới mức khiến bạn không chấp nhận làm hay mua gì đó. Bạn thích kiểu dáng một chiếc túi. Bạn say mê thương hiệu đó. Nhưng chiếc túi chỉ còn màu nâu. Bạn ghét màu nâu. Bạn quyết định không mua nó. Màu nâu là dealbreaker.


Dealbreaker có thể là điều đi ngược lại giá trị mà bạn tôn thờ, trái với nguyên tắc bạn không bao giờ phá vỡ, hay những thứ dễ hình dung hơn như mức lương, điều kiện làm việc. Phải làm vào cuối tuần là dealbreaker của bạn. Công ty A mời bạn làm với hầu hết những điều kiện, điều khoản bạn mong muốn, nhưng yêu cầu nhân viên làm việc thứ Bảy. Vậy là bạn từ chối. Biết được dealbreaker giúp bạn nhận diện và lựa chọn công việc phù hợp một cách dễ dàng hơn.


Công việc của bạn chắc chắn không phải lúc nào cũng màu hồng. Bạn ngán ngẩm với tình trạng kẹt xe mỗi sáng đi làm. Bạn không hài lòng với đồ ăn trưa tại căn tin công ty. Nhưng những thứ đó chỉ khiến bạn bận lòng đôi chút. Dealbreaker phải là thứ có sức nặng tới mức bạn từ chối thỏa hiệp. Trong cuộc sống, vì lý do này hay lý do khác, chúng ta vẫn thường thỏa hiệp. Đó là lúc chiếc túi nâu giảm tới 80%. Đó là khi mức lương bạn được đề nghị cao gấp đôi mức bạn mong muốn. Vậy thì bạn nên xem lại, liệu đó có đúng là dealbreaker thực sự, hay bạn cần phải bản lĩnh hơn.


Kết


Trong tiếng Anh có câu 'hindsight is 20/20', nghĩa là thật dễ để đánh giá một việc là tốt hay xấu, đúng hay sai sau khi việc đó đã xảy ra, nhưng trước đó thì rất khó. Thay vì dằn vặt bởi những lựa chọn 'sai' không thể thay đổi trong quá khứ, hãy tập trung vào những thứ bạn làm chủ được ở hiện tại và tương lai.


Hãy xây dựng nguyên tắc tìm và chọn việc từ giá trị và kinh nghiệm của chính bạn. Hãy thu lượm các mảnh ghép từ những gì bạn học và trải nghiệm. Giống như lego, những mảnh ghép rời rạc khi ráp với nhau sẽ tạo nên một mô hình toàn diện. Và từ những mảnh ghép ấy, chúng ta sẽ tạo ra được nhiều mô hình khác nhau. Bạn có nhiều lựa chọn phù hợp hơn bạn tưởng.

Comments


bottom of page