top of page
Writer's picturev for vien

Ways to say 'Can I talk to you?' Part 1

Khi chúng ta muốn hay cần nói chuyện với ai đó, nhiều khi chúng ta phải lịch sự ngỏ ý trước xem họ có nói chuyện được hay không, như câu "Can I talk to you?". Trong tập này, cùng tìm hiểu một số cách hỏi tự nhiên bằng tiếng Anh trong những trường hợp như vậy.


Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.




Chủ đề này gồm 2 phần:


Phần 1: đưa ra một số cách hỏi với động từ talk, đồng thời giải thích một số khái niệm và lựa chọn từ quan trọng liên quan đến chủ đề này.


Phần 2: một số cách hỏi khác không cần dùng đến động từ talk. Phần này hiện tại chưa có, sẽ được up lên sau.


Trước tiên, để nắm được rõ hơn nội dung của tập, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về ngôn ngữ formal informal, hai khái niệm quan trọng trong tiếng Anh.


Trong các tập trước, mình vẫn nhắc đến và thường tạm gọi hai khái niệm này là trịnh trọng (formal) và thoải mái/không trịnh trọng (informal), nhưng hiểu chính xác hơn và theo cách đơn giản nhất:


formal: nghĩa là trịnh trọng; nghiêm túc; đúng quy tắc, chuẩn mực. Tiếng Anh formal thường dùng trong các sự kiện trang trọng, hoặc trong môi trường, tình huống đòi hỏi phải viết hay nói năng chỉn chu, đúng phép tắc (ví dụ: tiếng Anh trong các báo cáo nghiên cứu, tiếng Anh dùng bởi các phát ngôn viên ngoại giao hay tiếng Anh trong nhiều tình huống giao tiếp công việc). Tiếng Anh formal thường được dùng với những người chúng ta không thực sự quen biết, người mà chúng ta cần giữ ý, giữ phép lịch sự.


Ngược với formal, informal là thoải mái; không trịnh trọng; không tuân thủ hoàn toàn các quy tắc, chuẩn mực. Tiếng Anh informal thường dùng trong giao tiếp hằng ngày với gia đình, bạn bè và những người mà chúng ta có thể nói chuyện thoải mái, không cần câu nệ về ngôn từ. casual cũng là từ thường được dùng để chỉ tính chất thoải mái, đối lập với formal.


Tính chất và mức độ formal hay informal có liên quan đến lựa chọn về ngữ pháp cũng như từ vựng.


Ví dụ, cùng là mời uống trà:

  1. Would you like some tea? formal (Nguồn audio: Gilmore Girls, Netflix)

  2. You want some tea? informal/casual (Nguồn audio: Modern Family, Netflix)

Trong hai câu trên:

(1) là formal, vì đúng ngữ pháp, và dùng từ vựng lịch thiệp (Would you like).

(2) là informal, vì về ngữ pháp là không chuẩn, không đúng dạng câu hỏi mà nói kiểu rút gọn (“Do you want some tea?” lược bỏ trợ động từ “do") và từ vựng cũng không được chỉn chu như câu đầu: (Do) you want (2) so với Would you like (1).


Tuy vậy, (2) lại là cách hỏi thông dụng, tự nhiên trong những tình huống rất thoải mái. Cũng giống như trong tiếng Việt, khi nói năng lịch sự, chỉn chu, nhiều người sẽ nói: Bạn có muốn dùng chút trà không? Còn theo kiểu thân mật, thoải mái, thì sẽ là Cậu uống trà không? Hay Uống trà không? Hoặc thậm chí super casual - cực thoải mái thì nói Tea? Trà nhá?/ Trà không?


Nhìn chung, chúng ta nên biết hai khái niệm formal informal để sử dụng với đúng người, đúng lúc, đúng chỗ. Vì nếu quá formal, không phù hợp với hoàn cảnh, có thể tạo cảm giác không thân thiện, khách sáo hoặc hơi kiểu cách, nếu quá informal, thì đôi khi thành suồng sã. Ví dụ trong công việc, khi mời trà, mình sẽ không hỏi đối tác là ‘You want some tea?’ hay ‘Want some tea?’, vì như vậy sẽ bị xem là thiếu lịch sự. Nhưng với bạn bè thân, mình lại thường dùng những cách hỏi như vậy vì đã thân thiết, thoải mái với nhau rồi.


Sau đây là một số cách hỏi khi ngỏ ý nói chuyện với ai đó. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn các khái niệm trên trong một số trường hợp cụ thể.


Can I talk to you?

Tôi (có thể) nói chuyện với bạn được không?



Lưu ý, khi nói nhanh (và không có ý nhấn mạnh), can /kæn/ nhiều khi được đọc thành ​/kən/​ (weak form - dạng âm yếu).


Can I talk to you? Tôi (có thể) nói chuyện với bạn được không? Đây là một trong những cách hỏi đơn giản và thông dụng nhất.


Hoặc tương tự: Can we talk? Chúng ta (có thể) nói chuyện được không?


Cả hai câu trên đều là informal, dùng trong các tình huống thân mật hoặc thoải mái, không trịnh trọng.


Ví dụ, trích từ bài viết vào năm ngoái trên trang HuffPost (tên gọi cũ: The Huffington Post). Bài viết nói về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần (thường được gọi là sức khoẻ tâm thần) của bản thân, và gợi ý một số cách mở lời khi cần được giúp đỡ, trong đó có câu sau:


“I don’t have anyone else to talk to about my mental health. Can I talk to you?”

Tạm dịch: Tôi không có ai khác để nói chuyện (với họ) về sức khỏe tinh thần của mình. Tôi nói chuyện với bạn được không?


Ví dụ khác, trong cuốn tiểu thuyết The midnight Library của tác giả người Anh - Matt Haig. Trích một tin nhắn trong cuốn này: ​


“...I miss your voice. Can we talk?...”

Tạm dịch: Anh nhớ giọng của em. Mình nói chuyện được không?


Tin nhắn trên có chi tiết I miss you voice - Anh nhớ giọng của em, nên đã phần nào gợi ý lý do muốn nói chuyện. Tuy nhiên, nếu như đột nhiên chúng ta hỏi Can I talk to you? hay Can we talk?, trong khi người được hỏi chưa biết lý do là gì, thì nhiều khi nghe hơi nghiêm trọng. Đương nhiên là còn tùy vào tình huống cụ thể và biểu cảm, ngữ điệu của chúng ta khi hỏi, nhưng hỏi đột ngột như vậy, đôi khi sẽ tạo cảm giác việc chúng ta định nói là một việc to tát hoặc một việc gì đó đáng lo, dù thực ra có thể không phải như vậy. Nên tùy vào vấn đề định nói, định bàn là gì, chúng ta để ý chút đến tông giọng và ngữ điệu khi hỏi.


Can I talk to you for a second?

Tôi nói chuyện với bạn chút được không?


Audio: Can I talk to you for a second? (Nguồn: The good doctor, Netflix)


a second có nghĩa cơ bản là một giây, nhưng trong nhiều trường hợp thường được hiểu là một xíu, một chút (thời gian).


Can I talk to you for a second? Mình nói chuyện với cậu chút xíu nhé?

Can we talk for a second? Chúng ta nói chuyện chút được không?


Thêm cụm từ for a second như vậy nghe sẽ bớt vẻ nghiêm trọng, làm cho câu hỏi mềm mại, nhẹ nhàng hơn, mà vẫn thể hiện được rằng việc chúng ta muốn nói là một việc nghiêm túc và có thể là quan trọng.


Tương tự a second, chúng ta có thể dùng a minute, một trong những nghĩa cơ bản là một phút, nhưng nhiều khi cũng được hiểu là một chút (thời gian). Hoặc dùng a sec, là viết tắt của a second nhưng a sec thì casual - thoải mái hơn. Nếu muốn formal hơn, thì dùng a moment, đúng nghĩa là một khoảng thời gian rất ngắn, hay một chút thời gian.


#2 là cách nói được dùng rất thường xuyên trong giao tiếp hằng ngày và cũng phổ biến trong môi trường công sở.


*Nhiều người nghĩ với những câu hỏi dạng này, tại nơi làm việc, dùng can thì không được lịch sự, mà phải dùng could hay may. Nhưng các bạn lưu ý, tuy đúng là trong những câu hỏi dạng câu xin phép (asking for permission) hay đề nghị lịch sự (making polite requests) với May I / Could I / Can I như trong câu Can I talk to you? hay Could I talk to you?:


- Dùng can là cách dùng informal - thoải mái, không trịnh trọng.

- Dùng could thì formalpolite - trịnh trọng và lịch sự.

- Dùng may là trịnh trọng, lịch sự nhất trong 3 từ.


Nhưng không phải cứ nói tiếng Anh informal thì có nghĩa là thiếu lịch sự. Việc dùng tiếng Anh formal hay informal ở nơi công sở hay ở đâu cũng vậy, còn tùy thuộc vào môi trường văn hoá ở đó, mối quan hệ giữa các bên giao tiếp và nhiều khi còn tùy vào tình huống khi đó. Hơn nữa, tuy rằng theo cách dùng truyền thống, trong câu xin phép, dùng may là cách dùng chuẩn, vì từ can thực chất là nói về khả năng - ability, nhưng ngày nay, can lại là cách dùng thông dụng và tự nhiên hơn hẳn, could cũng phổ biến nhưng không được dùng nhiều như can, may thì chủ yếu được dùng trong những môi trường hay tình huống thực sự formal, như trong diễn văn, diễn thuyết hay trong các cuộc họp với đối tác, khách hàng.

-------

Ví dụ:

May I have your attention, please.

(Xin các bạn vui lòng chú ý.) (dịch sát: Xin vui lòng cho phép tôi có được sự chú ý của các bạn).


May I introduce our Managing Director.

(Cho phép tôi giới thiệu Giám đốc điều hành của chúng tôi.)


Trong một số lĩnh vực đặc thù như customer service (dịch vụ khách hàng) tại khách sạn, sân bay, nhà hàng v.v., khi phục vụ khách, thường nhân viên sẽ dùng may (ví dụ: May I see your ID, please. - Xin anh/chị vui lòng cho tôi xem căn cước.)

---------

Chúng ta có thể dùng cách hỏi #2 này khi nói chuyện kiểu informal. Ví dụ, trong một tình huống super casual - cực thoải mái:


- Hey, can I talk to you for a sec?

Này, mình nói chuyện với cậu xíu nhé?

- Yeah, sure. What's up?

Ừ, được. Gì thế?


Hoặc theo cách formal (với could hoặc may), với nghĩa hoàn toàn tương tự.


- May I talk to you for a moment?

Tôi nói chuyện với anh chút được không?

- Yes, of course. What is it?

Được chứ. Việc gì vậy?

--

Nếu muốn lịch sự hơn nữa, chúng ta có thể thêm please:

May I talk to you for a moment, please?

--

Các bạn nghe thêm một tình huống nữa, khi người được hỏi bận, không nói chuyện ngay được:


- Can I talk to you for a minute? It's about the new policy.

Tôi nói chuyện với anh chút được không? Là về chính sách mới.

- Sorry, I’m late for a meeting. Can we talk later?

Xin lỗi, tôi bị muộn họp. Chúng ta nói chuyện sau được không?

- OK.

OK.


Thêm thông tin trong câu hỏi với "about"


Trong nhiều trường hợp, khi ngỏ ý nói chuyện, chúng ta sẽ nói luôn việc định nói, định bàn là gì, thêm “It's about + (something)” như ví dụ trên - It's about the new policy. (Là về chính sách mới.) v.v. là một cách nói luôn như vậy.


Hoặc chúng ta cũng có thể đưa thông tin vào ngay trong câu hỏi, chẳng hạn:

Can we talk about your daughter? I'm worried about her.

Chúng ta nói chuyện về con gái cậu được không? Mình lo cho con bé.


talk to vs. talk with


Với các câu hỏi trong bài, sau động từ talk, thay vì giới từ to, chúng ta có thể dùng giới từ with.


Ví dụ: Can I talk with you?

Audio - Nguồn: Star Trek Voyager, Netflix


Nhìn chung, khi nói chuyện, trò chuyện với ai, chúng ta thường dùng talk với to, đặc biệt là trong tiếng Anh-Anh. Nhưng chúng ta cũng có thể dùng with. Sự khác nhau giữa to with ở đây là rất nhỏ, trong đại đa số trường hợp là không quan trọng, và nhiều người bản xứ thực sự không để ý. Nếu thật cẩn thận, thì điểm khác nhau là ở chỗ một số người cảm thấy dùng to có vẻ một chiều - I talk to you - tạo cảm giác như việc nói chuyện chỉ đi từ một phía - chỉ có tôi nói, còn with tạo cảm giác hai chiều - I talk with you - tôi và bạn nói chuyện với nhau. Do vậy, một số người thiên về dùng with, và cảm thấy trong một số tình huống, dùng with thân thiện hoặc lịch thiệp hơn. Tuy nhiên, talk to vẫn thông dụng hơn.

---

Ví dụ, hai câu sau, cùng trong một bài viết trên CNN hồi tháng Tư, dùng cả talk to talk with với nghĩa như nhau.

Bài viết có một mục là:


How to talk with your kids.

Cách nói chuyện với con bạn. (Hay: Nói chuyện với con bạn như thế nào.)


Ngay trong mục này, có câu:


Talk to your kids about their music and listen with them.

Nói với con bạn về nhạc mà chúng nghe và nghe cùng chúng.


Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.

Comments


bottom of page