Cùng tìm hiểu một số từ tiếng Anh tiêu biểu của năm 2020.
Nghe podcast tập này tại đây hoặc nghe trên Apple podcast, hay Spotify.
Happy New Year! Chúc mừng năm mới! Chúc các bạn có những ngày khởi đầu năm mới thật tốt đẹp, và một năm 2021 sức khỏe, an yên và hạnh phúc!
Chúng ta đã bước sang năm 2021 được hơn một tuần, nhưng chúng ta hãy cùng nhìn lại năm 2020, một năm với quá nhiều sự kiện, mà dành bao nhiêu thời gian có lẽ cũng khó nói hết. Chỉ riêng với ngôn ngữ, đại dịch Covid-19 cũng đã mang đến cả một từ điển mới, như nhận định của một bài viết trên The New York Times: ‘The coronavirus pandemic gave 2020 a new dictionary’.
Trong khuôn khổ của bài viết này, mình chọn lọc ra một số từ nằm trong số những từ được dùng và được tìm kiếm nhiều nhất trong năm vừa qua.
Nếu chỉ dùng một tính từ để miêu tả năm 2020, các bạn sẽ nghĩ tới tính từ nào? Chỉ dùng một từ thì chắc chắn không đủ, nhưng mình vẫn chọn ra một tính từ, đó là:
unprecedented (adjective)
chưa từng có; chưa từng xảy ra; vô tiền khoáng hậu
Chưa cần nói tới các phong trào xã hội, các vấn đề chính trị hay môi trường, chỉ riêng đại dịch Covid-19 cũng khiến năm 2020 trở thành một năm chưa từng có.
Bởi vậy với rất nhiều người, unprecedented chính là từ khóa để nói về năm 2020. Thậm chí, đây là từ được người dùng trên trang dictionary.com bình chọn là từ của năm, People's Choice 2020 Word of the Year sau khi trang này công bố pandemic (đại dịch) là Word of the Year (Từ của năm).
unprecedented được nhắc đến trên hầu hết mọi trang báo và các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, với một số cụm từ thường xuyên lặp đi lặp lại như unprecedented times (khoảng thời gian chưa từng có hay thời kỳ chưa từng có), unprecedented pandemic (đại dịch chưa từng xảy ra trước đây), và unprecedented year (năm vô tiền khoáng hậu).
Oxford Languages thuộc Oxford University Press còn cho xuất bản một báo cáo dài 38 trang mang tên Words of an unprecedented year (tạm dịch: Những từ của một năm chưa từng có). Đây là một tài liệu tham khảo rất hữu ích, các bạn chỉ cần mất vài giây điền một số thông tin cơ bản là có thể download trên trang web chính thức tại đây.
Nói về tài liệu này, Casper Grathwohl, President (Chủ tịch) của Oxford Dictionaries có lời chia sẻ với BBC:
‘I’ve never witnessed a year in language like the one we’ve just had. It’s both unprecedented and a little ironic…”
Tôi chưa từng chứng kiến một năm về ngôn ngữ như năm mà chúng ta vừa trải qua. Nó vừa vô tiền khoáng hậu lại có chút trớ trêu.
**
Năm 2020 quả thật là một năm chưa từng có đối với ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng với một danh sách dài các từ mới cũng như những từ đã ra đời từ lâu được mang ra dùng với lượng tăng đột biến, nhiều nhất có lẽ là từ vựng Covid 19 mà chúng ta không còn lạ gì như quarantine (cách ly), face mask (khẩu trang), community spread (sự lây lan trong cộng đồng) hay flatten the curve (làm phẳng đường cong) v.v. Trong số các từ nổi bật của năm 2020, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 3 từ ghép đặc biệt.
homecation (noun)
kỳ nghỉ tại gia
homecation là từ kết hợp của home (nhà) và vacation (kỳ nghỉ).
Với lệnh ở nhà cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa đường hàng không, v.v. một kỳ nghỉ bình thường trở nên xa xỉ thậm chí nhiều trường hợp là không thể, chính bởi vậy, homecation được xem là một trong the ‘new normal’ - một điều bình thường mới trong năm 2020 và ngay cả đầu năm 2021.
homecation không phải là từ mới của năm 2020, và tuy chưa được đưa vào danh sách từ chính thức trong các từ điển tiếng Anh lớn như Oxford English Dictionary hay Cambridge Dictionary, nhưng năm vừa qua là năm mà homecation được dùng và nói đến nhiều hơn so với trước.
Một bài viết hồi tháng 5 trên trang PRnewswire của Mỹ gọi hè năm ngoái là The summer of the “homecation" - Mùa hè của kỳ nghỉ tại gia, với lý do quá rõ ràng: đại dịch Covid-19.
infodemic (noun)
bệnh truyền nhiễm thông tin; dịch thông tin
infodemic là từ kết hợp của information (thông tin) và epidemic (dịch hay bệnh truyền nhiễm).
infodemic được hiểu là việc lượng thông tin nhiều quá mức về một vấn đề, thường là những thông tin không đáng tin cậy, lan truyền nhanh chóng và gây khó khăn cho việc tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề đó.
infodemic được thêm vào từ điển Oxford English Dictionary hồi tháng 4 năm ngoái, tuy chưa được đưa vào từ điển Cambridge nhưng cũng được trang blog của từ điển này đưa vào danh sách những từ của năm 2020.
Tổ chức y tế thế giới WHO đã có rất nhiều bài viết và sự kiện liên quan đến việc quản lý infodemic. Gần đây nhất, vào tháng 12 năm 2020, WHO đã có vận động mang tên: Call for Action: Managing the Infodemic (Tạm dịch: Kêu gọi hành động: quản lý dịch thông tin).
Theo WHO, đây là một vận động hay phong trào toàn cầu nhằm thúc đẩy việc tiếp cận thông tin về sức khỏe và giảm thiểu tác hại gây ra bởi thông tin sai lệch về sức khỏe trong các cộng đồng trực tuyến cũng như ngoại tuyến.
president-elect (noun)
Tổng thống đắc cử (nhưng chưa chính thức nhậm chức)
Trong những tháng cuối năm 2020 và những ngày đầu năm nay, bên cạnh đại dịch Covid 19, chúng ta còn nghe rất nhiều đến bầu cử Mỹ. Vậy nên, từ ghép thứ 3 mình lựa chọn như một từ tiêu biểu của năm 2020 là president-elect - một trong những từ đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên Google thời gian này.
president-elect là từ ghép của từ president (tổng thống), và elect (được bầu). elect thường được chúng ta biết đến ở dạng động từ với nghĩa là bầu/bầu chọn, nhưng ở đây elect là tính từ, có nghĩa là được bầu, được chọn cho một chức vụ nhưng chưa chính thức nhậm chức.
president-elect là Tổng thống đắc cử nhưng chưa chính thức nhậm chức, thường được gọi tắt là Tổng thống đắc cử.
Ví dụ, trang The New York Times có chuỗi bài về việc chuyển giao giữa Trump và Biden với tựa đề:
Highlights of President-Elect Joe Biden's Transition.
Những điểm nổi bật về việc chuyển giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
***
2020 là một năm có quá nhiều khó khăn, đau thương, và mất mát. Nhưng có lẽ chính bởi vậy, 2020 cũng là một năm giúp chúng ta nhận thấy và trân trọng hơn nhiều điều trong cuộc sống. Để khép lại tập này, mình muốn gửi tới các bạn 3 từ thể hiện sức mạnh của con người mà năm 2020 đã khiến chúng ta cảm nhận được rõ hơn.
resilience (noun)
khả năng trụ vững, đương đầu trước khó khăn; khả năng hồi phục nhanh chóng sau khó khăn; sức bật
Khi dùng resilience để nói về con người, thì trong tiếng Việt có lẽ không có một từ nào có thể truyền tải trọn vẹn nghĩa của từ này vì nó bao trùm cả sự kiên cường, khả năng hồi phục và sức bật nhưng tuỳ tình huống, chúng ta có thể lựa chọn từ lột tả rõ nhất ý đồ của người nói hay người viết.
Khi tìm đọc các bài viết về lựa chọn từ của năm 2020, mình tình cờ đọc được bài viết của Arianna Huffington, Founder (người sáng lập) và CEO của Thrive Global, cũng là Founder của The Huffington Post, bài viết có tiêu đề: ‘And the word of the year is…Resilience’ (Tạm dịch: Và từ của năm là...Sức bật). Bài viết này được xem là phản ứng trước lựa chọn Word of The Year (Từ của năm) của các trang từ điển lớn với các từ như pandemic (đại dịch), quarantine (cách ly) v.v.
Tác giả nhấn mạnh về resilience rằng:
It’s what allows us not just to bounce back, but to bounce forward.
Đó là thứ cho phép chúng ta không chỉ bật trở lại, mà còn bật lên phía trước.
bounce (verb): bật lên, nảy lên
bounce back: bật trở lại; hồi phục (sau một vấn đề hoặc sau thất bại). Trong ví dụ trên, bật trở lại là cách nói ẩn dụ về việc hồi phục.
adaptability (noun)
khả năng thích nghi; khả năng thích ứng
Trước quá nhiều thay đổi và sự không chắc chắn về kế hoạch, về đường hướng, về tương lai, khả năng thích ứng trước mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh là thực sự cần thiết.
Như trang The Washington Post có bài viết nhận định:
Adaptability may be your most essential skill in the covid-19 world.
Khả năng thích ứng có lẽ là kỹ năng thiết yếu nhất trong thời kỳ Covid-19.
Từ world được chúng ta biết với nghĩa quen thuộc là thế giới, nhưng world ở đây có thể hiểu là a particular period of history (một thời kỳ cụ thể trong lịch sử).
togetherness (noun)
sự gần gũi giữa con người với nhau; sự gắn kết
togetherness là sự gắn bó, gần gũi giữa con người với con người; cảm giác hạnh phúc, yêu thương khi con người gắn bó, gần gũi với nhau.
UNDP - Chương trình phát triển Liên hợp quốc trong một bài viết hồi tháng 5 về sức mạnh của hy vọng và đoàn kết trước đại dịch đã có câu:
It is this spirit of global togetherness that gives us hope.
Chính tinh thần gắn kết toàn cầu này mang đến cho chúng ta hy vọng.
Và đó cũng là từ khép lại bài viết hôm nay.
Nghe podcast tập này tại đây hoặc nghe trên Apple podcast, hay Spotify.
Comentarios