Nối tiếp tập trước với 5 câu nói tiếng Anh thông dụng trong giao tiếp hằng ngày, trong tập này, mình sẽ giới thiệu với các bạn thêm 5 câu khác cũng được xem là những câu cửa miệng. 5 câu này có điểm chung là cùng chứa một từ mà không ai biết tiếng Anh lại chưa từng nghe. Đó là từ ‘thing’.
Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.
Âm th trong từ thing là phụ âm vô thanh (voiceless consonant), nên khi phát âm chỉ tạo ra hơi gió /θ/. Để phát âm đúng, các bạn để khuôn miệng như bình thường, hơi mở hé ra, rồi đưa lưỡi ra phía trước một chút, để đầu lưỡi ở giữa hai hàm răng, sau đó đẩy hơi ra ở khoảng giữa lưỡi và hàm răng trên. Người Việt mình quen đọc là th theo cách trong tiếng Việt nên một số bạn có thể sẽ phát âm sai hoặc phát âm như trong tiếng Việt, các bạn lưu ý nhé.
Lưu ý, đây là những câu thường dùng trong các tình huống thoải mái, không cần nghiêm trang, trịnh trọng (informal, casual).
Trước hết, các bạn hãy cùng nghe một mẩu trò chuyện ngắn qua điện thoại, trích từ cuốn tiểu thuyết mình đọc cũng lâu lâu rồi, Eleanor Oliphant Is Completely Fine của tác giả Gail Honeyman.
“...
- Eleanor!...Great to hear from you! How are things?
- I’m fine . . . that’s to say, I’m much better, thank you,….”
Trong đoạn hội thoại trên, chúng ta có How are things? (tương tự: How are things with you?)
How are things (with you)?
Mọi việc (với bạn) thế nào?
Đây là cách nói tương tự như How are you, hay How's everything? (How is everything?), là những câu được dùng để chào hỏi nhưng How are things thì thoải mái (casual) hơn.
How are things thường dùng như lời chào hỏi xã giao, nhưng chúng ta cũng dùng câu này khi thực sự quan tâm, muốn hỏi thăm tình hình của một người.
Lưu ý, tuy ở đây things là số nhiều, nhưng khi nói nhanh và trong các tình huống rất thoải mái, có thể các bạn sẽ nghe người bản xứ nói thành How's things? (‘s là viết tắt của is). Đây là một trong những kiểu phá bỏ nguyên tắc ngữ pháp trong văn nói của người bản xứ mà đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp.
How are things hỏi chung về sức khỏe, về mọi việc liên quan đến người được hỏi, nên câu trả lời rất đa dạng. Khi được hỏi câu này, tùy tình hình của bạn mà bạn trả lời.
Một số cách trả lời ngắn gọn thường gặp là:
good - tốt
pretty good - khá ổn
great - tuyệt
not too bad - không tệ
same old, same old - vẫn vậy
not good - không được tốt
hay I'm good / I'm fine / I'm OK - Tôi khỏe/ Tôi ổn
(I'm) still alive - Tôi vẫn sống nhăn
v.v.
Và kèm theo lời cảm ơn và hỏi thăm lại người đó.
Bạn cũng có thể kể chi tiết, chia sẻ thêm về tình hình sức khỏe, công việc, gia đình của bạn. Nhìn chung, tuỳ vào mức độ thân thiết của hai người và tùy tình huống mà chúng ta trả lời, không cần theo một khuôn mẫu nhất định.
Quay trở lại đoạn thoại ban đầu để xem câu trả lời của nhân vật Eleanor:
“...
- Eleanor!...Great to hear from you! How are things?
Eleanor! Thật mừng là cô gọi! Mọi việc thế nào?
- I’m fine . . . that’s to say, I’m much better, thank you....”
Tôi ổn, ý là, tôi khá hơn nhiều, cảm ơn anh.
that’s to say (that is to say): ý là, tức là, nghĩa là. Đây cũng là một cách nói thông dụng, là lời mào đầu để giải thích cụ thể hoặc làm rõ một ý nào đó.
That's my thing
Đó là kiểu / gu / phong cách của tôi; đó là thứ / kiểu tôi yêu thích; đó là ‘xì tai' của tôi
That's my thing dùng để nhấn mạnh, khẳng định thứ bạn yêu thích, hoặc là kiểu cách, phong cách, thói quen của bạn.
Ví dụ:
I can't imagine living without tea. I have four or five cups a day and I drink my tea without sugar or milk. That's my thing.
Mình không thể hình dung việc sống mà thiếu trà. Mình uống bốn hay năm ly mỗi ngày và mình uống trà không đường không sữa. Đó là kiểu của mình.
Ở dạng phủ định, chúng ta thêm not:
(That's) not my thing - (Đó) không phải là gu của tôi; (Đó) không phải thứ hay kiểu tôi thích.
Chúng ta cũng có thể thêm trạng từ really: (That's) not really my thing - (Đó) không hẳn (hay không thực sự) là gu / kiểu của tôi v.v.
Ví dụ, cũng trong cuốn Eleanor Oliphant is completely fine, nhân vật Eleanor nhắn rủ nhân vật Raymond đi nghe nhạc sống ở một quán bar. Trích một phần tin nhắn:
- Who's on?
Ban nào chơi vậy?
- Agent of Insanity
Ban Agent of Insanity
- ...Not really my thing, TBH, but I’ll come along with you...”
Thú thật, không hẳn là gu của tôi, nhưng tôi sẽ đi cùng cô.
*TBH là viết tắt của to be honest, thường dùng trong tin nhắn hoặc chat.
Ví dụ khác, trong một bài viết hồi năm ngoái, trang Washington Post trích lời vận động viên quần vợt Serena Williams liên quan đến lối chơi của cô như sau:
“That’s my thing - just try to stay calm and be more serene,”
“Đó là kiểu của tôi - chỉ cần cố gắng giữ bình tĩnh và bình thản hơn.”
serene /sɪˈriːn/: thanh thản, bình thản, bình yên
Lưu ý, ngoài ‘that' chúng ta cũng có thể dùng ‘it', ví dụ: it's my thing; it's not my thing
That's the thing
đó chính là vấn đề; vấn đề là ở chỗ đó; điểm chính, điểm mấu chốt là ở chỗ đó
That's the thing dùng để nhấn mạnh lý do, lý lẽ vì sao một việc lại không thể thực hiện được hoặc không thể xảy ra, thường để phản bác, thể hiện sự không đồng tình. Hoặc đơn giản là để nhấn mạnh điểm mấu chốt, quan trọng của một vấn đề, của một sự việc.
Ví dụ:
- Why did you say that? I don’t understand.
Sao cậu lại nói vậy? Mình không hiểu.
- See, that's the thing. You never do.
Thấy không, vấn đề là ở chỗ đấy. Cậu chẳng bao giờ hiểu cả.
Ví dụ khác, trích trong cuốn tiểu thuyết The secrets of strangers của tác giả Charity Norman.
“They love one another’s company, that’s the thing.”
Họ thích ở cạnh nhau, quan trọng là ở chỗ đấy.
company /ˈkʌmp(ə)ni/ (n): sự kề cận; việc ở bên cạnh (để tâm tình, bầu bạn)
Ví dụ khác:
- Just talk to her and ask her what’s going on.
Cứ nói chuyện rồi hỏi cô ấy xem có chuyện gì.
- She told me she didn’t want to talk. That's the thing.
Cô ấy bảo mình là cô ấy không muốn nói chuyện. Vấn đề là ở chỗ đó.
sure thing
đương nhiên rồi; chắc chắn rồi; được
sure /ʃɔː/ /ʃʊə/ (adj): chắc chắn
Sure thing có nghĩa tương tự như sure, of course, certainly, absolutely
Ví dụ:
- It's beautiful. Can I have a look?
Nó đẹp nhỉ. Mình xem được không?
- Sure thing.
Đương nhiên là được.
Thêm ví dụ nữa, trích từ cuốn tiểu thuyết tội phạm hình sự Fifty-Fifty của tác giả Steve Cavanagh, mình cũng đọc hồi cuối năm ngoái.
Đây là cuộc trò chuyện điện thoại của Sếp gọi cho nhân viên, nhân vật tên Levy cho nhân vật tên Kate, mình chỉ trích phần liên quan.
“...
- I need you to swing by the office and pick up a document.
Tôi cần cô ghé qua văn phòng lấy một bản tài liệu.
- Oh, sure thing. What do you need me to bring?”
Được. Anh cần tôi lấy (tài liệu) gì?
swing /swɪŋ/ by (somewhere): ghé qua, chạy qua đâu đó (thường là tranh thủ, tiện đường đi nơi khác)
Is that even a thing?
Có thứ như thế (tồn tại) à? Có kiểu như vậy à?
Đây là câu hỏi thể hiện sự tò mò, ngạc nhiên, đôi khi với hàm ý châm biếm, khi nghe đến một xu hướng, trào lưu, phong cách sống khác lạ mà bạn không biết, chưa nghe nói đến hoặc khi bạn thắc mắc về một thứ, một việc mà bạn nghĩ là không tồn tại hay chưa được công nhận vì nó mới mẻ, hay khác lạ.
Câu này còn có một số dạng biến tấu khác như:
Is that a thing (now)?
Is that actually a thing?
Is that really a thing?
How is that even a thing?
Để trả lời những câu này, chúng ta có thể nói:
- Khẳng định:
(Yeah), it's a thing (now); hoặc tương tự với that (nhưng hiếm dùng hơn): (Yeah,) that's a thing (now) - đúng là có thứ / kiểu / mốt đó (tồn tại).
- Phủ định:
No, it's not a thing/ No, that's not a thing - Không, không có thứ / kiểu đó (tồn tại) hoặc nói theo kiểu thoải mái (casual): Không, làm gì có thứ đó (làm gì có kiểu đó);
I don't think that's a thing - Tôi không nghĩ là có thứ / kiểu đó (tồn tại).
Một ví dụ điển hình, vài năm trước, thời điểm Kim Kardashian mang bầu bé thứ hai, Kim đã post một bức ảnh lên Twitter với caption - chú thích là ‘Pregnancy lips', tạm dịch là ‘Cặp môi bầu bí'. Sau đó một số followers (người theo dõi) đã phản hồi với câu hỏi ‘Pregnancy lips? Is that even a thing?’ - Cặp môi bầu bí á? Có kiểu môi như vậy ư?
Ví dụ khác:
When I first heard of the word ‘eco-anxiety', I thought ‘Oh, Is that really a thing?’. And so I had to look it up to find out more about it.
Lần đầu nghe thấy từ ‘eco-anxiety', mình đã nghĩ ‘Ô, thực sự là có chứng đó à?’. Vậy là mình phải tra cứu và tìm hiểu thêm về nó.
Từ eco-anxiety /ˌiːkəʊaŋˈzʌɪəti/ là một từ khá mới mẻ và được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, tuy về nguồn gốc thì eco-anxiety được dựa trên nhiều nghiên cứu và thuật ngữ tương tự khác đã có từ lâu.
Tiền tố eco- /ˈiːkəʊ/ /ˈɛkəʊ/ xuất phát từ ecology, ecological: liên quan đến sinh thái
anxiety /aŋˈzʌɪəti/ (n): sự lo âu, bất an
eco-anxiety hiểu một cách đơn giản là sự lo âu, lo lắng cao độ về tác hại đến môi trường do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu gây ra, mình tạm dịch là Lo âu về môi trường sinh thái hay Lo âu về môi trường.
Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.
コメント