Tập trước chúng ta đã tìm hiểu 5 câu nói thông dụng trong giao tiếp hằng ngày với từ what. Trong tập này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm 5 câu nữa với what, chủ yếu vẫn là những câu hỏi tu từ, tức là không thực sự cần câu trả lời, mà dùng để biểu đạt cảm xúc, đưa ra một nhận định hoặc nhằm nhấn mạnh một ý nào đó. Đây cũng đều là những câu nói, những cách biểu đạt rất tự nhiên trong tiếng Anh.
Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.
what's done is done (what is done is done)
việc xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi; chuyện xong thì cũng đã xong rồi
Đây là một thành ngữ mà theo Wikipedia là có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Nhưng câu này trở nên phổ biến và được dùng rộng rãi đến tận giờ có lẽ phần lớn là nhờ vở Macbeth của đại văn hào William Shakespeare. Câu này trích từ một lời thoại Lady Macbeth nói với chồng: what's done is done
Chúng ta vẫn biết done là quá khứ phân từ (past participle) của động từ do. Nhưng chắc không phải ai cũng biết done còn là tính từ. Ví dụ, khi nói về thức ăn thì done có nghĩa là chín. Còn ở câu what's done is done, done có nghĩa là đã xong, đã kết thúc. Chữ s ở what's không phải viết tắt của từ has, mà là viết tắt của từ is: what is done is done - chuyện xong thì cũng đã xong rồi; việc xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Câu này dùng để nói về việc đã rồi, không thay đổi được nữa, thường với ý rằng chuyện đã qua thì cho qua, không bận tâm nữa.
Ví dụ:
Moving to the city was a mistake but what's done is done. Anyway, I'm getting used to living there*.
Chuyển tới thành phố là một sai lầm, nhưng chuyện xong thì cũng đã xong rồi. Dù sao mình cũng đang quen dần với việc sống ở đó.
[*Ở câu trên có một cấu trúc quan trọng mình không đề cập trên podcast, đó là:
get used to something/get used to V-ing: trở nên quen với một thứ hoặc một việc (nhấn mạnh vào quá trình trở nên quen với thứ hay việc đó)]
Thêm ví dụ trích từ tạp chí Forbes hồi tháng 5, bài viết về việc các lãnh đạo đều mắc sai lầm và chỉ ra các bước mà họ có thể sửa sai:
What is done is done. The only thing you can do from here is try to move forward.
Chuyện xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Điều duy nhất bạn có thể làm từ giờ là cố gắng tiến về phía trước.
Ví dụ khác:
I didn’t mean to cause any trouble but what’s done is done. I hope she will understand that I meant well.
Tôi không có ý gây rắc rối nhưng chuyện xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Tôi hy vọng cô ấy sẽ hiểu rằng tôi có ý tốt.
mean well: có ý tốt; làm một việc với ý tốt, dù rằng việc đó có thể gây ra vấn đề hoặc khiến ai đó không hài lòng
what's not to like?
có gì để mà không thích; sao mà không thích cơ chứ; sao mà không thích cho được
Động từ like có nghĩa là thích.
what's not to like? là câu hỏi tu từ, dùng khi muốn nhấn mạnh rằng một người hay một thứ chỉ có toàn điểm tốt, không có gì xấu để mà không thích.
what's not to like? có gì để mà không thích; sao mà không thích cơ chứ; sao mà không thích cho được
Chúng ta thường dùng câu này sau khi liệt kê một số điểm tốt, một số điểm nổi bật về người hay thứ đó.
Ví dụ:
The house is cozy, elegant, and has a beautiful garden. What's not to like?
Căn nhà ấm cúng, trang nhã, lại có mảnh vườn xinh xắn. Sao mà không thích cơ chứ.
Ví dụ khác, trên trang the Guardian hôm 1 tháng 8, bài viết về ca sĩ, nhạc sĩ người Anh - Lily Allen có câu nói về cô như sau:
“She is brilliant: honest and funny and clever, what’s not to like?”
Cô ấy tuyệt vời: chân thật và vui tính lại thông minh. Sao mà không thích cho được.
Thêm ví dụ nữa, cũng trên tạp chí Forbes, cuối tháng 7, trong một bài giới thiệu một số món đồ uống lành mạnh, dễ làm, có câu sau (về 5-Ingredient Spicy Mango Green Smoothie - Tạm dịch: Sinh tố xoài xanh vị cay 5 thành phần):
...it's naturally vegan and gluten-free, what's not to like?
...món này thuần chay tự nhiên và không chứa gluten, sao không thích cho được?
vegan /ˈviː.ɡən/ (adj): thuần chay; (n): người ăn chay thuần
gluten-free /ˌɡluː.tənˈfriː/: không chứa gluten
Cũng với cách biểu đạt này, thay vì like, chúng ta có thể dùng động từ love - yêu: what's not to love? có gì để mà không yêu?; sao mà không yêu cho được
Ví dụ, trên Washington Post hồi tháng 4, một bài viết về gà rô ti (rotisserie chickens) có đoạn sau:
What’s not to love? They’re tasty and convenient, and can cost less than a fancy coffee shop latte.
Sao mà không mê cho được? Chúng ngon và tiện lợi, mà có khi còn rẻ hơn cả ly latte hảo hạng ngoài tiệm cà phê.
tasty /ˈteɪsti/ (adj): ngon
fancy /ˈfansi/ (adj): sang trọng, sang chảnh; xịn sò (lóng); hảo hạng/ chất lượng cao (thường khi nói về đồ ăn thức uống)
# 3
What do you take me for?
Bạn cho tôi là người thế nào vậy?; Bạn nghĩ tôi là ai?; Bạn cho tôi là gì vậy?
Cụm từ take someone for (trong câu trên: take me for) có nghĩa là tưởng nhầm một người là ai khác hay là gì khác; hoặc nghĩ sai, cho rằng họ là kiểu người nào đó. Ví dụ: He took me for an idiot - Anh ta cho tôi là đồ ngốc.
What do you take me for? Bạn cho tôi là người thế nào vậy? Bạn nghĩ tôi là ai chứ? Hay Bạn cho tôi là gì vậy? Đây là câu hỏi tu từ, với hàm ý là bạn hiểu sai, nghĩ không đúng về tôi hoặc đánh giá thấp tôi rồi.
Sau câu này chúng ta có thể nói kèm thêm danh từ nếu muốn nhấn mạnh hoặc làm rõ ý của mình.
Ví dụ: What do you take me for, an idiot? Anh cho tôi là gì vậy, là đồ ngốc à?
Lấy thêm ví dụ, trong cuốn tiểu thuyết mình mới đọc gần đây, cuốn The Pact, phát hành hồi tháng 5, của tác giả người Anh - Sharon Bolton. Trích từ đoạn trò chuyện giữa hai nhân vật, khi một người tỏ ý nghi ngờ người kia tiết lộ bí mật động trời của họ và nhóm bạn cho chồng:
...- He can’t understand why I invited her to the house.
Anh ấy không thể hiểu nổi vì sao tôi lại mời cậu ấy tới nhà.
- You didn't say anything, did you?
Cậu không nói gì đấy chứ hả?
- What do you take me for?...
Cậu xem tôi là người thế nào vậy?
Lưu ý, câu này không chỉ dùng trong các tình huống nghiêm trọng hay nặng nề mà có thể dùng trong các tình huống nhẹ nhàng hay bông đùa, vui vẻ.
Ví dụ:
Of course I care. What do you take me for, a stranger?
Đương nhiên là chị quan tâm rồi. Em nghĩ chị là ai vậy, người dưng à?
Ví dụ khác, một bài viết trên APnews về nhà văn nổi tiếng Margaret Atwood, có trích dẫn câu trả lời hóm hỉnh của bà trước một câu hỏi:
“Of course. What do you take me for?” — when asked if she has read “The Hunger Games.”
“Đương nhiên rồi. Bạn nghĩ tôi là ai chứ?” - khi được hỏi liệu bà đã đọc “The Hunger Games"** chưa.
**The Hunger Games có tựa Việt: Đấu trường sinh tử
What is there to lose? (What’s there to lose?)
Có mất gì đâu? Mất mát gì đâu nào?
lose (v): mất, mất mát
What is there to lose? Có gì để mà mất? Hay Có mất mát gì đâu?
Đây cũng là câu hỏi tu từ, với hàm ý là nếu làm một việc mà thành công thì sẽ có lợi, còn nếu không được, không thành công thì cũng không mất mát, thiệt thòi gì.
Lưu ý về phát âm, từ lose đọc là /luːz/ với âm cuối là /z/. Còn nếu đọc là /luːs/ với âm /s/ ở cuối thì lại thành từ loose, viết với 2 chữ o và có nghĩa hoàn toàn khác là lỏng (adj); hay thả lỏng/ nới lỏng (v). Nếu không để ý, đúng là hai từ này phát âm nghe rất giống nhau.
Hai âm /z/ và /s/ là một trong những cặp âm mà nhiều người thường nhầm nhất, có lẽ do sự khác biệt giữa hai âm này nhiều khi khó nhận thấy, đặc biệt là khi nói nhanh. Để phát âm đúng và thấy rõ hơn điểm khác nhau, các bạn lưu ý, âm /z/ là phụ âm hữu thanh (voiced consonant), khi nói, sẽ nghe rõ tiếng và sờ lên cổ họng thấy rung nhẹ, còn /s/ là phụ âm vô thanh (voiceless consonant), nói sẽ tạo ra hơi gió, như là thở ra vậy, và sẽ không thấy rung ở cổ họng. Mình nói nhấn rõ để các bạn hình dung được, còn khi nói bình thường, các bạn lưu ý đừng nhấn mạnh quá và cũng đừng đọc thành (zừ) (sừ) hay (zờ) (sờ), chẳng hạn như (lu zờ), vừa không đúng lại có thể bị hiểu nhầm thành từ khác (loser /ˈluː.zər/: người thua cuộc; kẻ thất bại).
Bây giờ, lấy ví dụ với câu này.
Have a think about it. It sounds amazing and you don't even have to pay for it. What is there to lose?
Cân nhắc việc đó xem. (Việc đó) nghe có vẻ tuyệt mà cậu thậm chí còn không mất tiền. Mất mát gì đâu nào?
have a think: đây là cách nói phổ biến trong tiếng Anh-Anh, think ở cụm từ này là danh từ, có nghĩa là việc suy nghĩ
have a think (about something): suy nghĩ; nghĩ ngợi; cân nhắc (về một việc)
Ví dụ khác, từ bài viết trên Washington Post hồi đầu năm về ảnh hưởng của dịch Covid đến ngành dịch vụ tổ chức hôn lễ, bài viết trích câu chuyện về một cặp đôi quyết định vẫn tiến hành đám cưới bằng cách chuẩn bị mọi thứ online.
“We decided, what is there to lose? Let’s get married and we can have a big party next year”
Chúng tôi quyết định, có mất mát gì đâu? Hãy kết hôn rồi sang năm chúng tôi có thể mở đại tiệc.
Bài viết hồi tháng 4 năm ngoái trên Forbes về việc xây dựng thương hiệu cá nhân của nhân sự cấp cao (C-suite hay C-level, vd. CEO, CFO v.v.) thông qua một số kênh như mạng xã hội, sau khi tóm tắt lại những lợi ích như gây dựng danh tiếng, uy tín, xây dựng mạng lưới v.v., bài viết kết lại bằng câu sau:
All of this—with a little digital input. What is there to lose?
(Có được) Tất cả những điều này - với chút đầu tư vào kỹ thuật số. Mất mát gì đâu nào?
all of this: ý nói tới tất cả các lợi ích được kể đến
input: đầu vào (công sức, tiền bạc v.v. đưa vào (một hệ thống, tổ chức, máy móc v.v.) để nó hoạt động)
digital input: ở đây được hiểu là sự đầu tư vào kỹ thuật số, có thể là đầu tư công sức hay cả tiền bạc...
What are you waiting for?
Bạn còn chờ gì nào?; Bạn còn chần chừ gì nữa?
Câu này có thể dùng như câu hỏi thực sự, ví dụ:
Oh, I thought you went home. What are you waiting for?
Ơ, mình tưởng cậu về nhà rồi. Cậu đang chờ gì vậy?
Nhưng ở đây mình muốn nói đến trường hợp khi What are you waiting for? được dùng như câu hỏi tu từ, thì là để thúc giục hoặc khuyến khích ai đó mau chóng làm một việc.
What are you waiting for?
Bạn còn chờ gì nào? Bạn còn chần chừ gì nữa?
Ví dụ, khi giục giã ai đó:
Our taxi is here. Come on, what are you waiting for? Let's go.
Taxi đây rồi. (Mau) nào, cậu còn chờ gì thế? Đi thôi.
Thêm ví dụ nữa, một bài viết trên Vogue giới thiệu sách mới do một số Tiktoker gợi ý, có câu sau:
Spring is the perfect time to pick up a new book, after all—there are tons of new releases this season—so what are you waiting for?
Suy cho cùng, mùa xuân chính là khoảng thời gian hoàn hảo để chọn lấy một cuốn sách mới - có vô số cuốn mới phát hành mùa này - vậy bạn còn chờ đợi gì nào?
Câu này có một số cụm từ đáng lưu ý:
pick up: cụm động từ này có nhiều nghĩa, trong câu này, có thể hiểu đơn giản là lấy, với ý là lấy về hay cầm lấy, chọn lấy hoặc cũng có thể hiểu là mua.
after all: ở đây có nghĩa suy cho cùng (để đưa ra lời nhận định bổ trợ cho những gì vừa nói)
tons of: một số lượng rất lớn; vô số; vô khối
new release: sản phẩm mới phát hành (bộ phim, bản nhạc, cuốn sách v.v.)
Ví dụ khác, một bài cũng trên Forbes vào cuối tháng 7 về lợi ích của việc đi bộ, sau khi nói về các lợi ích, đúc kết lại bằng câu sau:
So, what are you waiting for? It's time to get your butt up and moving!
Vậy, bạn còn chần chừ gì nữa? Tới lúc nhấc mông lên và vận động rồi đấy!
get your butt up: nhấc mông lên. Lưu ý đây là cách nói rất thoải mái (casual). Cách nói này cũng giống cách người Việt mình thường nói: đừng ngồi ì một chỗ nữa, đừng lười biếng nữa, nhấc mông lên.
Nghe podcast tập này tại đây, hoặc nghe trên Apple podcast, Spotify hay Google podcast.
コメント